quangnam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 1

Go down

ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 1 Empty ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 1

Bài gửi  Admin Tue Oct 28, 2008 11:44 pm

Ðêm Cửa Ðại

Thương tặng Hội An

Một chiều cuối năm lạnh giá và ảm đạm ở ngoại ô Paris, hai bà cháu người Việt - một cô gái mười tám và một bà cụ trên bảy mươi - ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện nắng mưa trên xứ người. Xứ người! Gọi như thế chỉ đúng với bà cụ, và không đúng với cô gái, vì cô sinh ra và lớn lên trên đất Pháp này. Tuy có một khoảng cách thế hệ và một khoảng cách văn hóa giữa hai người, Natalie, cô cháu, lại rất gần gũi, khắng khít với bà ngoại của cô, một điều hiếm thấy ở những gia đình Việt di dân trong đó thế hệ thứ hai và thứ ba sinh đẻ và lớn lên ở xứ người.

Nhưng bỗng dưng câu chuyện hôm nay giữa hai bà cháu lại rẽ một lối bất ngờ làm bà già bỗng thẫn thờ; nếu không gượng giấu xúc động, có thể bà ta đã ngộp thở, đã ngất xỉu cũng nên. Cô gái kể cho bà về một đám giỗ trong một gia đình Việt Nam ở tỉnh Narbonne tận miền Nam mà cô tham dự tuần trước. Cô kể lại câu chuyện tình của người đàn ông quá cố do gia chủ thuật hôm đó. Cô biết đại khái nhân vật nam trong câu chuyện vừa từ giã cõi đời năm ngoái tại Sài Gòn, rằng ông ta đã có mối tình đầu tại Hội An trong thời gian làm thủy thủ trên một ghe buôn. Duyên nợ không thành vì cha mẹ cô gái ngăn chận cuộc tình của đôi lứa. Người đàn ông đau buồn, bỏ thành phố, đi xa, và đã kết hôn với một người khác. Không nghe đề cập đến nhân vật nữ trong chuyện tình dang dở kia, ngoại trừ một chi tiết về sắc đẹp khuynh thành của bà. Natalie bỗng cảm thấy bối rối, chẳng hiểu vì sao những điều cô nghe kể trong một đám giỗ tại nhà một người bạn đồng bào với mình lại làm bà ngoại cô có vẻ phiền muộn và quan tâm. Chắc tại tên quê hương được nhắc tới. Cô hy vọng thế.

Nhưng với bà Dung, mối tình đầu trên nửa thế kỷ qua nằm sâu trong lòng như một giòng suối ngầm, nay bất chợt được khơi dậy đã chảy lộ thiên và lai láng. Không nghi ngờ, bà đoan quyết gia đình ở Narbonne kia có gốc rễ, mối mớ với cố nhân của bà. Bà có nên dò tìm ngọn nguồn của họ chăng. Từ sâu thẳm trong lòng, bà Dung nghe như có câu trả lời, "vô ích, để làm gì". Thế là cố nhân của bà đã giã từ cõi đời lắm đau thương, lắm phong ba bão táp này đúng một năm rồi. Người nằm xuống tận phía Nam, không phải tại làng Phước Trạch, nơi bà đã nhìn Người ra đi. Lần tiễn đưa là lần cuối gặp nhau. Ôi Phước Trạch, dải đất quê xưa giờ ra sao? Người chỉ chúc cho bà mọi sự may mắn ở quê nhà, và mong bà chóng quên người ra đi... Ký ức của năm mươi năm về trước lại rõ ràng như mới hôm qua, lại có thể làm sụt sùi cõi lòng tưởng đã chai cứng từ lâu. Cuộc hôn nhân đằng đẵng ba mươi bảy năm với người đàn ông dị chủng quê ở ngoại thành Paris lại chẳng để lại bao nhiêu dấu ấn sâu đậm trong lòng bà. Bà Dung bỗng thèm được một lần về thăm quê xưa, thèm mãnh liệt. Nếu không có diễm phúc được gởi nắm xương tàn ở quê nhà, bà ước ao ít ra một lần thấy lại quê cũ. Bà cũng chẳng hiểu lắm ước muốn của mình. Ðể làm gì? Có còn gặp được cố nhân nữa đâu. Nhưng còn họ hàng thân thuộc, ai còn, ai mất, và cảnh cũ với bóng hình người xưa - chỉ là bóng hình thôi sao! Nhưng dù sao, đó vẫn là nỗi khắc khoải trong lòng bà Dung chiều nay. Natalie không dằn được câu hỏi:

- Ngoại làm sao vậy? Bỗng dưng con thấy Ngoại không được vui.

Bà Dung thoáng bối rối. Phải chi Ngoại kể được với con về người đàn ông trong câu chuyện con nghe! Nhưng thôi. Có thể một ngày kia con hiểu. Có thể chẳng bao giờ con biết được Ngoại có một quá khứ nằm trong từng góc của cái quá khứ bên kia biển mà Ngoại vẫn hay kể cho con nghe, mà trí tò mò của con không ngừng tìm kiếm qua hàng loạt câu hỏi - những câu hỏi có khi làm Ngoại lúng túng, bởi vì chúng chạm tới lớp sâu kín của ký ức mà Ngoại không muốn khơi dậy. Bà Dung nhếch mép thành một nụ cười, và xoa đầu cô gái:

- Ngoại nhớ Phước Trạch với hình ảnh đoàn ghe bầu thả neo ở Cửa Ðại, Ngoại nhớ con sông Thu Bồn với những bờ cát vàng hay ruộng dâu xanh mướt đôi bờ. Khi nào con ra trường, có việc làm, con có thể đưa Ngoại về thăm lại làng Phước Trạch không? Ba má con thì đầu tắt mặt tối cũng chỉ nối được hai đầu tháng.

- Oui, Bà Ngoại. Con sẽ để dành tiền, và bà cháu mình sẽ về Phước Trạch, Hội An. Ngoại sẽ dẫn con đi thăm những nơi Ngoại vẫn kể cho con nghe, phải không Ngoại?

- Ừ, bà cháu mình sẽ về thăm Việt Nam.

Năm năm sau cái buổi chiều cuối năm ngoại ô Paris mà Natalie và bà ngoại cô ngồi nói với nhau về giấc mơ hồi hương...

Ðời sống vẫn chuyển dịch bình thường. Vâng, nhịp độ đời sống vẫn bình thường với tuổi trẻ, nhưng với tuổi già, năm năm trong nhịp độ gia tốc của sự rơi thì "quá nhiều"! Bà Dung không chờ Natalie được. Bà đã "rơi" tới đích: bà đã từ trần được hai năm rồi. Mộ bà nằm cạnh mộ chồng, ông Russel, tại nghĩa trang thị trấn Lognes, ngoại ô Paris. Natalie rưng rưng nước mắt khi nhận được thư của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học, và Văn Hóa Liện Hiệp Quốc báo tin cô đã được chấp thuận làm việc tại Việt Nam. Bà Ngoại ơi, cuối cùng con đã hoàn thành mọi sự để có thể về quê hương thì thiếu Ngoại!

UNESCO đã gửi phái đoàn đầu tiên đến Hội An từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 để nghiên cứu kế hoạch trợ giúp bảo tồn đô thị cổ này, và Natalie đã tháp tùng với tư cách chuyên viên, vì ngoài điều kiện tốt nghiệp học viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Ðông Phương, cô dễ được tổ chức này thu dụng hơn các ứng viên khác vì yếu tố chủng tộc. Về phần mình, Natalie thấy giòng máu lai Việt đến ba phần tư trong huyết quản cô cũng chẳng là cái gì xứng hợp với công tác như họ nghĩ, nếu cô không theo học khoa nhân văn kia. Chính lãnh vực nghiên cứu đã bắt chiếc cầu ngang qua cái vịnh văn hóa và tuổi tác chia cách cô và bà ngoại cô. Cứ xem cha mẹ cô thì rõ; họ xa cách với thế giới của bà ngoại cô quá chừng! Natalie đã tìm thấy ở bà ngoại mình một gia sư, và một người bạn.

Cô đã dàn xếp để tìm thăm những người liên hệ gia tộc mà từ bé đến giờ cô chưa hề gặp - những người mà chỉ có bà ngoại của cô mới biết được. Nhưng người ở lại quê hương thì nhờ cái nền tảng gia tộc từ bao đời truyền lại đã không mấy khó khăn xác định được khúc ruột ở xa vạn dặm, cho dù khúc ruột đó có dính một phần tư máu huyết ngoại lai. Họ ân cần với cô, xem cô như là sứ giả của bà Dung, người con của gia tộc đã đi xa, đi xa mãi không về. Natalie đã được hướng dẫn đi thăm những nơi mà bà ngoại cô đã kể, đã hằng ao ước được thấy lại. Cô vào xem khu chợ Hội An, và trước mỗi gian hàng cô cố mường tượng hình ảnh người thiếu nữ tên Dung ngày xưa ngồi bán hàng. Natalie bước ra ngoài, đến đầu chợ, nhưng không tìm thấy "giếng máy" công cọng, nơi ngày xưa cô Dung từng bị đám con trai trêu chọc mỗi khi nàng đi ngang qua. Người bà con hướng dẫn viên cho hay giếng đã bị phá bỏ từ lâu rồi.

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 207
Join date : 20/10/2008
Age : 36
Đến từ : quang nam

https://quangnam.aforumfree.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết