ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 8
quangnam :: VAN HOC & DOI SONG :: TRUYEN
Trang 1 trong tổng số 1 trang
ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 8
Hội An những năm đầu của thập niên 1920. Thành phố cổ xưa nhất Việt Nam, sót lại từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, đang rụt rè đón nhận chương trình mở mang của người Pháp. Những đường phố làm ra từ thế kỷ thứ 17 chỉ để di chuyển bộ hoặc cho xe ngựa, xe bò, với lòng đường chật đến nổi không có chỗ cho xe hơi, dù nhỏ nhất, lưu thông hai chiều. Nhà san sát nhau, kiến trúc lối xưa, tối và dài thăm thẳm; nhiều nhà thông ra hai mặt đường phố. Không thể nới rộng đường phố, vì nếu làm thế sẽ phải phá bỏ toàn thành phố! Ðường xe lửa xuyên Việt chưa hoàn thành, nên phương tiện giao thông đường biển, đường sông bằng thuyền vẫn đắc dụng, thậm chí là huyết mạch cho toàn xứ. Hội An nằm ven sông, và lại gần biển cho nên đã là điểm thương mại sầm uất trong tỉnh. Ngôn vừa hai mươi mốt tuổi. Anh làm việc trên một ghe buôn lớn chạy đường biển từ Thanh Hóa vào Nam. Người Quảng Nam gọi loại thuyền buồm vận tãi viễn dương này là ghe bầu. Natalie nhớ có lần hai bà cháu cô đã thảo luận về tên gọi này. Bà ngoại cô cho rằng vì ghe hình hơi bầu dục nên được gọi như vậy, còn cô thì căn cứ vào tài liệu tham khảo đã chấp nhận giả thuyết tên ghe bầu bắt nguồn từ tiếng Mã Lai, gay-pràu, có nghĩa là thuyền buồm, một giả thuyết có vẻ phù hợp với sự kiện trong quá khứ Hội An từng là cái nồi xào bần của các yếu tố văn hóa Chàm-Việt-Mã Lai-Nam Ðảo-Trung Hoa ... Ðám thủy thủ ghe bầu góp phần không nhỏ cho sự phồn thịnh của thành phố cổ nhỏ bé Hội An, vì hầu như lúc nào Cửa Ðại, bãi biển cách Hội An khoảng bảy cây số, cũng có năm bảy chiếc ghe buồm khổng lồ này thả neo nằm chờ... Thường thường mỗi chiếc ghe cặp bến nằm đợi cả tháng hoặc lâu hơn để bán cho hết số hàng hóa mang theo, để chờ nhập thổ sản, và cũng để chờ gió mùa cho lộ trình về. Ðám thủy thủ sử dụng thời giờ nhàn rỗi ở những quán ăn, quán nhậu, những cửa hàng tạp hóa, những nhà chứa sòng bài, v.v. trong thị xã. Lần đó chiếc ghe của Ngôn nằm ở Cửa Ðại gần ba tháng. Ngoại trừ những lúc lên hoặc xuống hàng ghe phải men ngược sông Hoài, nhánh đổ ra biển của sông Thu Bồn, để cặp bến Sơn Phô gần thành phố hơn, phần lớn thời gian chiếc ghe của anh ta thả neo ở Cửa Ðại. Những ngày đầu Ngôn lang thang khắp nơi trong thành phố, xem phong cảnh chỗ này, chỗ kia, vì là lần đầu tiên anh có dịp đặt chân đến một thành phố cổ kính như vậy. Không giống như các bạn đồng nghiệp trên các ghe bầu, Ngôn không thích rượu chè, bài bạc, nên Ngôn không lai vãng các tiệm nhậu, các sòng bài trong thành phố. Sau mấy ngày rong chơi, hết chỗ mới để đi xem, Ngôn lại về ghe nằm chèo ngoeo, hoặc vào làng Phước Trạch, một làng chài lưới ở sát Cửa Ðại, làm quen với các người lớn tuổi để chuyện trò hoặc chơi cờ tướng cho qua thì giờ. Một hôm, cần mua một số vật dụng, và cũng thèm món cao lầu nổi danh của Hội An, Ngôn lại bò lên thành phố. Ngôn đến một gian hàng xén trong chợ. Thoạt bắt gặp cái ngước nhìn của cô bán hàng, Ngôn mất bình tĩnh hẳn. Ngôn nhủ thầm, làm gì mà ruột rè thế, thật buồn cười. Thế nhưng anh mất bình tĩnh. Anh chưa bao giờ cảm thấy như thế trước một người con gái, dù đẹp, dù xấu. Và không phải anh chưa từng gặp con gái đẹp. Thật là kỳ lạ. Cái nhan sắc này có một cài gì khó tả. Gương mặt cô gái toát ra một vẻ hiếm thấy. Nó vừa hiền hòa, vừa nghiêm nghị, vừa ân cần lại vừa cao sang, xa cách; nó có cái gì dễ cảm, dễ mến, mà lại làm người ta nễ sợ, không dám buông lời sàm sỡ để chọc ghẹo. Từ hôm khám phá ra giai nhân trong khu chợ Hội An, Ngôn lên phố hằng ngày, đi lang thang đây đó để cuối cùng ghé gian hàng xén nhìn mặt nàng cho đỡ nhớ. Ngôn vẫn chưa nói được một lời bày tỏ con tim thổn thức của mình, ngoài mấy câu hỏi giá cả cộc lốc của anh và mấy câu trả lời êm ái, đãi đưa rất con buôn của người đẹp. Dĩ nhiên. Còn quá sớm! Thế rồi, ngày một ngày hai, họ quen mặt nhau quá, và cái thân tình giữa hai bên chợt đến lúc nào không ai hay, chỉ biết mỗi lần chạm mặt nhau, người này không giấu được nỗi vui mừng đối với người kia. Về phần Dung, cô hàng xén, sự quen mặt khiến nhiều lúc cô quên cả giữ ý tứ với chàng trai. Một hôm, Ngôn vừa bước đến chỗ bán hàng, Dung bỗng vụt miệng hỏi, anh ăn cơm chưa?. Thốt xong câu hỏi, Dung bỗng ngượng điếng người, hai tai nóng bừng, mặt đỏ lên. Ô hay, mình khéo lo thì thôi. Mặc xác chàng ta, sao mình lại ân cần thăm hỏi không đúng cách thế kia! Ngôn đọc ngay trong câu hỏi bất ngờ, trong sự lúng túng sau đó của người con gái một cái gì làm ngây ngất lòng chàng trai mới lớn. Dung không ghét mình như lối làm vẻ xa cách của nàng
Similar topics
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 5
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 1
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 2
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 3
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 4
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 1
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 2
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 3
» ĐÊM CỬA ĐẠI PHẦN 4
quangnam :: VAN HOC & DOI SONG :: TRUYEN
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
|
|